Đề tài KH: BĐS trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò & khuyến nghị chính sách
Chiều 5/1/2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm công bố kết quả nghiên cứu đề tài khoa học: Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách.
Ở Việt Nam hiện nay, do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản đang phải đối diện với vô số khó khăn. Nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời, không có sự điều tiết và quản lý khoa học, sẽ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế.
Việc nghiên cứu sự biến động của thị trường bất động sản và ảnh hưởng của lĩnh vực bất động sản đến nền kinh tế rất mở của nước ta, từ đó đề ra định hướng, giải pháp tăng cường, phát huy vai trò của thị trường bất động sản là hết sức có ý nghĩa, cần thiết đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và khách hàng đã, đang và sẽ tham gia thị trường bất động sản, nhất là trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cùng với các diễn biến trong môi trường chính trị - xã hội thời gian qua.
Vì lẽ đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thực hiện nghiên cứu Đề tài khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách” nhằm đưa ra những dữ liệu khoa học, thực tiễn phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước và sự tham gia thị trường bất động sản của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Trên cơ sở đó, ngày 21/5/2020, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã ký Quyết định số 31/QĐ-VNREA về việc giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách”, do ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA làm chủ nhiệm Đề tài, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam là cơ quan bảo trợ thông tin và truyền thông.
Chiều 5/1/2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm công bố kết quả nghiên cứu đề tài khoa học: "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách", với sự tham dự của Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; đại diện Bộ Xây dựng; Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Các nhà khoa học nghiên cứu, tư vấn, phản biện đề tài; khoảng 40 phóng viên các cơ quan báo chí, truyền hình.
Đề tài khoa học gồm 3 chương; 14 tiết; 45 tiểu tiết.
Tại Chương 1, thông qua nội dung nghiên cứu lý luận và thực tiễn tình hình phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Đề tài đã đi sâu làm rõ: Khái niệm, đặc điểm và phân loại bất động sản; Các giai đoạn phát triển của thị trường bất động sản; Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản; Tiêu chí đánh giá vai trò thị trường bất động sản trong nền kinh tế; Vai trò và kinh nghiệm phát triển thị trường bất động sản trong nền kinh tế một số nước trên thế giới...
Tại Chương 2, bằng phương pháp lượng hóa, đề tài đã tập trung làm rõ những nội dung và vai trò cơ bản nhất của thị trường bất động sản Việt Nam như:
Một là, đóng góp vào phát triển kinh tế và gia tăng tài sản quốc gia. Theo đó, đóng góp của thị trường bất động sản (nhóm nghiên cứu tính toán theo nghĩa mở rộng và ISIC) trong GDP năm 2019 là 7,62%, cao hơn mức Tổng cục Thống kê công bố là 4,51%. Có thể thấy, chưa kể đến bất động sản gián tiếp trong ngành xây dựng thì phần trăm đóng góp của bất động sản cũng khoảng 10,49% GDP (năm 2019).
Nếu tính thêm nhân tố vốn là đất, đóng góp của bất động sản (gồm bất động sản mở rộng + bất động sản theo ISIC năm 2019) chiếm tới 13,6% GDP. Có thể ước tính tỷ trọng bất động sản đóng góp vào tổng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14,88%. Qua đó có thể thấy có 2 vấn đề, một là định giá bất động sản và hai là luồng tiền giữa ngân hàng và bất động sản chính là huyết mạch của nền kinh tế.
Hai là, đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng... Đề tài đã chỉ ra rằng, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng (final demand) của ngành bất động sản mở rộng tăng 1 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng; ngành kinh doanh bất động sản theo ISIC tăng 1 tỷ đồng cho nhu cầu cuối cùng sẽ kích thích lan tỏa đến giá trị sản xuất 0,402 tỷ đồng và 0,12 tỷ đồng đến giá trị tăng thêm. Đặc biệt, năng suất lao động của ngành bất động sản theo ISIC cao hơn năng suất lao động chung của nền kinh tế khoảng 10 lần (theo khảo sát của GSO); chỉ số lan tỏa về nhập khẩu thấp nhất trong 7 ngành. Và nguyên tắc chọn ngành trọng điểm của nền kinh tế: Những ngành có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao và lan tỏa đến nhập khẩu thấp. Khi ngành bất động sản tăng trưởng không chỉ có lợi cho chính nó mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế quốc gia.
Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); Du lịch (giảm 0,352%); Dịch vụ khác (giảm 0,348%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là Công nghiệp khai thác (giảm 0,210%)…
Ba là, vai trò của ngành bất động sản đối với việc thu hút, gia tăng lao động. Nếu xét theo mức độ tăng của Giá trị tăng thêm (VA) tương ứng với việc thu hút thêm được 1 lao động, thì đứng thứ nhất là ngành bất động sản xây nhà để bán, thứ hai là bất động sản công nghiệp, thứ ba là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và thứ tư là bất động sản theo ISIC. Khi so sánh sức hút đối với lao động theo giá trị tăng thêm của một số ngành kinh tế giai đoạn 2010 - 2019, bất động sản xếp sau các ngành: Du lịch, Dịch vụ khác và Công nghiệp chế biến, chế tạo và xếp trên các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp khai thác... Ngoài ra, đề tài cũng đã phân tích vai trò của thị trường bất động sản đối với việc phát triển nhà ở và quá trình đô thị hóa.
Thứ tư là, đề tài đã lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, năm 2020, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỷ USD/986,82 tỷ USD); năm 2025 là 21,2% (462,7 tỷ USD/2183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1232,29 tỷ USD/5601,31 tỷ USD). Về dự báo giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản giai đoạn 2020, 2025 và 2030: năm 2020, giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản ước đạt 484,9 nghìn tỷ đồng (20,89 tỷ USD), chiếm 7,70 % GDP; năm 2025 ước đạt 1.249,8 nghìn tỷ đồng (53,84 tỷ USD), chiếm 9,72% GDP; năm 2030 ước đạt 3.428,7 nghìn tỷ đồng (147,71 tỷ USD), chiếm 13,6% GDP.
Tại Chương 3, nhóm tác giả đã đưa ra Dự báo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam đến 2030 và đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm phát huy vai trò thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, nhóm giải pháp cần thực hiện ngay bao gồm 5 nhóm giải pháp: Về hoàn thiện thể chế và thủ tục hành chính; Về tín dụng; Về lĩnh vực thuế; Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội; Về tiền ký quỹ dự án đầu tư.
Nhóm giải pháp trung và dài hạn bao gồm 10 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách; Nhóm giải pháp về quản lý và quy hoạch; Nhóm giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng; Nhóm giải pháp về tài chính; Nhóm giải pháp về chính sách tài chính (thuế, phí) bất động sản; Nhóm giải pháp thông tin dữ liệu, công nghệ số; Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng gắn với việc khai thác thông tin, kết quả từ việc thống kê và nghiên cứu, phân tích thông tin về thị trường bất động sản; Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực các thành phần tham gia thị trường; Nhóm giải pháp về chính sách ưu đãi trong kinh doanh bất động sản; Nhóm giải pháp nhằm ổn định thị trường bất động sản và giảm thiểu chi phí nhà ở trung và dài hạn.
Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hướng đến tầm nhìn 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển thịnh vượng, có thu nhập cao thì việc phát triển thị trường bất động sản hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia - coi du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo là những mũi nhọn và chú trọng nâng cao chất lượng, năng suất ngành nông nghiệp thông qua công nghệ cao và sản xuất quy mô lớn - điều kiện, mục tiêu và phương thức để bất động sản nông nghiệp phát triển.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ gửi kiến nghị kèm toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu đến Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan có liên quan, nhằm cung cấp tư liệu, thông tin, góc nhìn khoa học cho việc xây dựng chiến lược quốc gia tầm nhìn dài hạn và có chính sách cụ thể được thể chế hóa nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và ổn định dài hạn, chống độc quyền, lợi ích nhóm và đầu cơ lũng đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh và công bằng xã hội; tránh việc không khai thác hết những giá trị và tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam và bỏ lỡ những cơ hội cho phát triển đất nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:
“Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài là một công trình nghiên cứu khoa học độc lập, nghiêm túc, có đóng góp mới về vai trò của BĐS đối với nền kinh tế và sự lan toả, tác động của BĐS đến các ngành kinh tế có liên quan; đưa ra những kiến nghị, đề xuất mang tính tổng thể nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, ổn định lành mạnh của thị trường BĐS cũng như tăng cường vai trò và tính lan toả của thị trường BĐS đến nền kinh tế. Công trình trở thành kênh khảo hữu hiệu cho công tác hoạch định chính sách của Nhà nước về phát triển lành mạnh thị trường BĐS cũng như kênh tham khảo cho các doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam”.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng:
“Đây là đề tài nghiên cứu khoa học công phu, được chuẩn bị và thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, với nhóm nghiên cứu là các chuyên gia uy tín hàng đầu trong lĩnh vực BĐS và kinh tế. Đề tài có nhiều giá trị cả về lý luận, thực tiễn, đặt biệt là cung cấp những góc nhìn mới cho việc hoạch định, thực thi chính sách và quản lý Nhà nước về thị trường BĐS nói riêng và kinh tế nói chung. Đề tài tạo ra những góc nhìn mới về thị trường BĐS và vai trò đặc biệt quan trọng của thị trường BĐS trong nền kinh tế Việt Nam. Đây là công trình khoa học mang tính gợi mở cao và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cần khuyến khích nghiên cứu thêm những đề tài có giá trị tương tự”.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phản biện độc lập đề tài:
“Đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc và đặt vấn đề mang tính hệ thống trong bối cảnh chính sách và thể chế liên quan đến sự vận hành của thị trường BĐS còn nhiều bất cập. Báo cáo mang tính thực tiễn cao và khá gắn kết giữa lý luận với thực tiễn. Đến nay ở nước ta, đã có nhiều công trình nghiên cứu, đề án phát triển thị trường BĐS, nhưng có lẽ báo cáo kết quả nghiên cứu này đã đi khá sâu vào bản chất của vấn đề và nhất là có cách nhìn khá mới về vai trò của thị trường này trong nền kinh tế, lượng hóa tài sản bất động sản với tài sản quốc gia… để giúp cho những nhà làm chính sách kinh tế - tài chính nhìn nhận đầy đủ hơn về thị trường này trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra”.
PGS. TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viên kinh tế, chính trị thế giới, phản biện độc lập đề tài:
“Đây là một bản báo cáo về BĐS trong nền kinh tế Việt Nam có chất lượng rất cao, với nhiều số liệu minh hoạ cụ thể, có những đánh gia phân tích sắc sảo, những giải pháp đề xuất có tính mới mẻ và khả thi”.
TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:
“Dù có không ít tài liệu về BĐS và thị trường BĐS, song có lẽ đây là một nghiên cứu đủ sâu, có thể góp phần quan trọng trong thay đổi nhận thức, "cách nhìn" (còn phiến diện) về BĐS và thị trường BĐS trong nền kinh tế Việt Nam. Đó là chưa nói tới những khuyến nghị chính sách, cả trước mắt và lâu dài, để phát triển thị trường BĐS bền vững, cũng chứa đựng không ít gợi ý có ý nghĩa và rất đáng suy ngẫm. Đóng góp mới của Đề tài là lượng hóa vai trò của BĐS trong nền kinh tế Việt Nam với góc nhìn cả theo nghĩa hẹp và nghĩa mở rộng, cả trực tiếp và qua tác động lan tỏa. Cùng với đó, những ưu tiên chính sách cần triển khai cũng là điểm nhấn đáng ghi nhận của Đề tài”.
“Dù có không ít tài liệu về BĐS và thị trường BĐS, song có lẽ đây là một nghiên cứu đủ sâu, có thể góp phần quan trọng trong thay đổi nhận thức, "cách nhìn" (còn phiến diện) về BĐS và thị trường BĐS trong nền kinh tế Việt Nam. Đó là chưa nói tới những khuyến nghị chính sách, cả trước mắt và lâu dài, để phát triển thị trường BĐS bền vững, cũng chứa đựng không ít gợi ý có ý nghĩa và rất đáng suy ngẫm. Đóng góp mới của Đề tài là lượng hóa vai trò của BĐS trong nền kinh tế Việt Nam với góc nhìn cả theo nghĩa hẹp và nghĩa mở rộng, cả trực tiếp và qua tác động lan tỏa. Cùng với đó, những ưu tiên chính sách cần triển khai cũng là điểm nhấn đáng ghi nhận của Đề tài”.
0 Nhận xét