Là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, Ấn Độ đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.
Cam kết này được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) tháng 11 năm ngoái.
So với các nền kinh tế phát thải lớn khác, Ấn Độ đặt thời hạn muộn nhất cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Trung Quốc tuyên bố sẽ đạt được mục tiêu này vào năm 2060 trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là năm 2050. Sứ mệnh hiện thực hóa các cam kết đang được cả chính phủ và nhân dân Ấn Độ thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, trên mọi mặt trận.
Để thực hiện cam kết trên, Ấn Độ đã không ngừng đổi mới, cải tiến công nghệ, kêu gọi đầu tư cho ngành năng lượng sạch trong nước. Điều này cũng được Thủ tướng Modi nỗ lực thúc đẩy trong khuôn khổ chuyến công du Đức, tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng như thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Phát biểu tại hội nghị G7, Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh sự cần thiết của năng lượng sạch để đối phó với khủng hoảng khí hậu, đồng thời kêu gọi các quốc gia G7 đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch của Ấn Độ vì đây là một thị trường mới nổi. Minh họa cho lời kêu gọi trên, ông Modi nhấn mạnh: “Hiện nay, thị trường khổng lồ cho các công nghệ năng lượng sạch đang nổi lên ở Ấn Độ. Các quốc gia G7 có thể đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới và sản xuất trong lĩnh vực này. Quy mô mà Ấn Độ có thể cung cấp cho mọi công nghệ mới có thể tạo ra nguồn năng lượng sạch có giá phải chăng phục vụ toàn thế giới”.
Thủ tướng Modi cũng nêu bật những nỗ lực của Ấn Độ nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, lối sống bền vững và phúc lợi toàn cầu. Theo ông, “Ấn Độ đã đạt mục tiêu pha trộn 10% ethanol vào xăng sớm hơn 5 tháng so với mục tiêu đề ra. Ấn Độ có sân bay đầu tiên trên thế giới vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Hệ thống đường sắt khổng lồ của Ấn Độ sẽ đạt được phát thải ròng bằng 0 trong thập niên này”. Ông diễn giải: “Khi một quốc gia lớn như Ấn Độ thể hiện tham vọng như vậy, các quốc gia đang phát triển khác cũng được truyền cảm hứng. Chúng tôi hy vọng các quốc gia giàu có của G7 sẽ hỗ trợ nỗ lực của Ấn Độ”.
Chuyên gia Ulka Kelkar, Giám đốc phụ trách vấn đề khí hậu thuộc Viện Tài nguyên thế giới ở Ấn Ðộ, đánh giá New Delhi sẽ cần các khoản đầu tư lớn không chỉ để thiết lập các trang trại năng lượng mặt trời hay trang trại năng lượng gió mà còn để mua đất, xây dựng kho dự trữ năng lượng, nâng cấp điện lưới quốc gia cũng như xây dựng hệ thống truyền tải.
Trong khi đó, bà Nandini Das, nhà phân tích chính sách và nghiên cứu năng lượng thuộc tổ chức Climate Analytics (Ðức), cho rằng Ấn Ðộ đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng các mục tiêu đầy tham vọng của nước này vẫn chưa đủ quyết liệt để giúp thế giới đáp ứng các mục tiêu khí hậu cao nhất. Theo bà, để tạo ra những thay đổi lớn hơn và nhanh hơn thì Ấn Độ sẽ cần đến sự trợ giúp về công nghệ và tài chính từ bên ngoài.
Khí thải bay lên từ nhà máy nhiệt điện Badarpur ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Thực tế, Ấn Độ đã thực hiện vượt mức cam kết của mình khi đáp ứng gần 40% công suất điện từ nhiên liệu không hóa thạch trước thời hạn khoảng 9 năm. Sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng các nguồn thay thế khả thi hơn, cùng với sự phát triển công nghệ, chính sách hỗ trợ ổn định và sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, sẽ phản ánh rõ ràng nỗ lực của Ấn Độ trong quá trình sản xuất năng lượng xanh thông qua các nhà máy điện mặt trời với chi phí rẻ hơn than đá.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, Thủ tướng Modi nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ trong việc khử cacbon và tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo. New Delhi sẽ ủng hộ đề xuất của Mỹ và Đức về việc thiết lập quan hệ đối tác Ấn Độ - G7 để tài trợ và hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Ấn Độ từ nền kinh tế dựa trên hóa thạch sang nền kinh tế không có carbon, được xác nhận.
Dẫu vậy, những mục tiêu trên luôn đi kèm với những thách thức riêng vì Ấn Độ cũng là nhà nhập khẩu năng lượng lớn thứ ba thế giới. Khoảng 80% lượng dầu tiêu thụ của Ấn Độ là nhập khẩu. Nước này hiện đang tiếp tục mua dầu của Nga, bất chấp những lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Về việc cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao kỷ lục, Thủ tướng Modi nhận định: “Tất cả các bạn sẽ đồng ý rằng tiếp cận năng lượng không nên là đặc quyền của riêng người giàu. Một gia đình nghèo cũng có quyền tương tự về năng lượng. Và ngày nay, khi chi phí năng lượng tăng vọt do căng thẳng địa chính trị, điều quan trọng hơn là phải ghi nhớ điều này”.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu mỏ, điện lớn thứ ba đồng thời là quốc gia có sản lượng dầu tinh chế lớn thứ tư thế giới. IEA nhấn mạnh, mức tăng trưởng tiêu thụ dầu của Ấn Độ có thể “tăng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác” và tương lai sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn để đầu tư vào lọc dầu. Ấn Độ cũng trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn thứ ba vào năm 2020. Quy mô chuyển đổi này đầy hứa hẹn và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước trong hai thập niên qua.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol đánh giá sự tăng trưởng của ngành năng lượng tái tạo của Ấn Độ là "rất ấn tượng". Quốc gia này "đang trên lộ trình dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực như năng lượng mặt trời và pin trong những thập niên tới".
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm 2023 - 2024, nghĩa là Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Và nếu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, Ấn Độ có thể củng cố vị trí của mình như nhà tiên phong về mô hình phát triển kinh tế mới, có khả năng loại bỏ các phương pháp tiếp cận sử dụng nhiều carbon, đồng thời cung cấp kế hoạch chi tiết cho các nền kinh tế đang phát triển khác.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát trong nước, bước đi dù đúng hướng nhưng do sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào than và dầu để tăng trưởng và hiện đại hóa công nghiệp, lượng khí thải CO2 hằng năm của Ấn Độ vẫn tăng lên mức cao thứ hai trên thế giới, khiến con đường đạt được mức phát thải ròng bằng 0 chắc chắn không dễ dàng.
0 Nhận xét