TS. Phan Minh Ngọc: Cần hiểu đúng hơn về cung tiền và sốt bất động sản, chứng khoán

Nhiều người hiện nay vẫn chưa hiểu đúng cung tiền và những vấn đề liên quan, từ đó không thấy rõ rủi ro của cung tiền có thể gây ra cho các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.



Cung tiền M2 là gì?

Cung tiền M2 còn được gọi là tổng phương tiện thanh toán theo cách gọi của Việt Nam, gồm những cấu phần như sau:

Cung tiền M2 = Tiền trong lưu thông (tiền mặt) Các khoản tiền gửi không kỳ hạn Các khoản tiền gửi có kỳ hạn

= Tiền mặt Tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư bằng tiền đồng Tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư bằng ngoại tệ

Như vậy, cung tiền không liên quan gì đến cái gọi là "cung tiền của Chính phủ", và cũng không có công thức tính cung tiền nào như thế này: Cung tiền (M2) = Cung tiền từ Chính phủ Tăng trưởng tín dụng.

Và cần lưu ý rằng Chính phủ không bơm/cung tiền, mà chỉ có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới có chức năng này. Chính phủ muốn tăng chi tiêu nhưng không có tiền thì phải vay mượn từ nền kinh tế, và tiền này cuối cùng sẽ được cung cấp thêm bởi NHNN.

Tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu?

Nhiều người vẫn cho rằng cung tiền và tín dụng trong khoảng 5 năm trở lại đây tăng trưởng đều và ở mức thấp, xoay quanh 12-13%. Thực tế không đúng vậy, như bảng dưới đây cho biết (dựa trên số liệu công bố trên website của NHNN):


Tăng trưởng tín dụng ở mức trên 18% cho đến năm 2017 rồi đột ngột giảm còn một nửa vào năm 2018, trồi sụt cho đến năm 2020 và tăng trở lại vào tháng 4/2021 ở mức 15,1%.

Tăng trưởng cung tiền nhìn chung ổn định hơn nhưng có tốc độ cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 5 năm qua, chứ không phải là "tương đương với tốc độ tăng trưởng tín dụng", như có người nhận xét. Lưu ý thêm là cả tốc độ tăng trưởng cung tiền và nhất là tín dụng đều tăng trong 4 tháng đầu năm nay, lên trên 15%.

Gói hỗ trợ của Chính phủ có được tính vào cung tiền không?

Các gói cứu trợ khổng lồ của một số nước, như Mỹ, được mang ra so sánh với Việt Nam để kết luận rằng cung tiền (từ Chính phủ) ở Việt Nam là không đáng kể, và, do đó, không phải lo về bong bóng tài sản.

Tác giả cho rằng, so sánh như trên là khập khiễng, bởi như trên đã nói, khái niệm cung tiền hoàn toàn không bao gồm chi tiêu/hỗ trợ của Chính phủ, mà chỉ gồm tiền mặt và tiền gửi của các chủ thể kinh tế. Vì thế mới có chuyện Bộ Tài chính Mỹ phải phát hành trái phiếu và Fed phải mua trái phiếu này nhằm cấp vốn tài trợ cho các gói hỗ trợ của Bộ Tài chính (gọi là nới lỏng định lượng), chứ Bộ Tài chính không tự in thêm ra được số tiền này để nói rằng Chính phủ (Bộ Tài chính) Mỹ đã bơm tiền vào nền kinh tế Mỹ.

Việt Nam có bơm thêm tiền vào lưu thông không?

Ý kiến trên cho rằng Việt Nam không bơm thêm tiền vào lưu thông, tăng trưởng tín dụng bình thường và không có gói kích thích kinh tế lớn nào. Từ đó cho rằng cung tiền M2 tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP cũng không đáng lo ngại, và rằng cách điều hành của NHNN vốn đã rất thận trọng, không vì suy thoái mà tăng cung tiền.

Tác giả cho rằng, nói NHNN không tăng cung tiền dù kinh tế suy thoái là không đúng, bởi thực tế thì cung tiền đã tăng mạnh từ năm 2020 đến nay, như bảng trên cho thấy. Nói cách khác, nếu cho rằng cung tiền không tăng lên vậy thì "cung tiền" mà NHNN công bố trên website của họ là cung tiền gì?

Tương tự, nói Việt Nam không bơm thêm tiền vào lưu thông thì điều này cũng có nghĩa là không coi cung tiền M2 là tiền đi vào lưu thông/nền kinh tế. Vì quan niệm như vậy là sai – vì cung tiền dưới dạng tiền gửi và tiền mặt chính là tiền đi vào nền kinh tế – nên khi lượng M2 tăng lên mạnh trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, như cho thấy trong bảng trên, thì chắc chắn có nghĩa là tiền đã được bơm mạnh thêm vào lưu thông/nền kinh tế.

Việc nêu Việt Nam không có gói kích thích nào lớn để cho rằng Việt Nam không bơm thêm tiền vào lưu thông, theo ý kiến tác giả, cũng là một sai lầm khác, bởi như đã nói ở trên, các gói kích thích của Chính phủ không phải là cung tiền/tiền tung vào nền kinh tế.

Bong bóng tài sản có phải là khủng hoảng không?

Việc cho rằng thời điểm hiện tại mà lại đi lo ngại về hiện tượng bong bóng tài sản thì chứng tỏ chẳng hiểu gì về khủng hoảng, tác giả không đồng tình như vậy.

Trước tiên, cần lưu ý những ý kiến lo ngại về bong bóng tài sản chủ yếu mới dừng lại ở chuyện bong bóng và chuyện nợ xấu như là hậu quả của việc ngân hàng cho vay quá mức vào đó. Nếu họ có đề cập đến chuyện khủng hoảng thì chỉ ở cái nghĩa là bong bóng tài sản nếu không được kiềm chế, khi vỡ ra thì có khả năng dẫn đến "khủng hoảng" dưới dạng như đã từng xảy ra trong ngành ngân hàng và cả nền kinh tế những năm trước đây. Nói cách khác, đang nói đến bong bóng tài sản thì hãy chỉ nói đến chuyện bong bóng, chứ đừng nhảy sang chuyện "khủng hoảng", ít nhất là bởi vẫn có nhiều người hiểu rõ rằng bong bóng tài sản không nhất thiết là khủng hoảng, như nói thêm dưới đây.

Tiếp theo, cần phải làm rõ phạm vi của "khủng hoảng". Khủng hoảng nếu là trong một ngành, lĩnh vực, theo cái nghĩa giá cả sụp đổ, nhiều người tham gia bị phá sản, không trả được nợ (cho ngân hàng) thì bong bóng tài sản có thể gây ra, hoặc là tiền đề cho khủng hoảng trong ngành này.

Nhưng nếu phạm vi khủng hoảng nói ở đây là rộng hơn, ra cả nền kinh tế trong nước, ra cả thế giới thì lại là một chuyện khác, và bong bóng của một vài tài sản nhất định nào đó không nhất thiết gây ra khủng hoảng, nếu quy mô của tài sản đang nói đến không quá lớn (so với GDP), và/hoặc nếu bong bóng không bị để mặc cho cứ phình lên mãi (chẳng hạn tiền tiếp tục được bơm vào nền kinh tế, vào các tài sản đó).

                                                                          TS. Phan Minh Ngọc