Điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

TS. Nguyễn Thế Khải1

1. Lãi suất trên thị trường tiền tệ

Lãi suất trên thị trường tiền tệ là giá cả của việc sử dụng tiền vốn trong một thời gian nhất định mà người cho vay đòi hỏi người vay phải trả khi sử dụng khoản tiền của mình - giá cả của các công cụ vay nợ ngắn hạn, chịu sự tác động của các nhân tố chủ yếu: quan hệ cung - cầu vốn; mức độ rủi ro thanh toán; rủi ro thị trường; lạm phát, tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế; mức biến động của tỷ giá và lãi suất thị trường quốc tế; chi phí quản lý kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD), bao gồm cả chính sách thuế của Nhà nước đối với tiền gửi dân cư và hoạt động tín dụng,… Các nhân tố này được Ngân hàng Trung ương (NHTW) lượng hoá để xác định tính hợp lý và dự báo chiều hướng biến động của lãi suất thị trường, từ đó có sự tác động thích hợp thông qua việc điều hành công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để hướng lãi suất thị trường biến động phù hợp với các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Lãi suất trên thị trường tiền tệ có thể chia thành hai nhóm như sau:

  • Nhóm lãi suất chịu tác động của quan hệ cung - cầu vốn: (i) Lãi suất tín phiếu kho bạc (thường là loại kỳ hạn 3 tháng), đóng vai trò là lãi suất chuẩn, thấp nhất trên thị trường tiền tệ; (ii) Lãi suất các công cụ huy động vốn của các trung gian tài chính như tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, hối phiếu được ngân hàng thương mại (NHTM) chấp nhận...; (iii) Lãi suất vay vốn giữa các NHTM trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng; (iv) Lãi suất các khoản tín dụng ngắn hạn của các NHTM cho các doanh nghiệp vay là lãi suất cao nhất trên thị trường tiền tệ, lãi suất của các NHTM lớn áp dụng cho vay các doanh nghiệp có uy tín là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường này và thường gọi là lãi suất cho vay cơ bản.
  • Nhóm lãi suất do NHTW công bố được sử dụng để điều hành chính sách tiền tệ, bao gồm: lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất định hướng thị trường liên ngân hàng, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở,... Không giống như nhóm lãi suất nêu trên được xác định chủ yếu theo quan hệ cung - cầu vốn, các lãi suất này được NHTW xác định tuỳ thuộc vào mục tiêu CSTT và diễn biến tiền tệ và kinh tế vĩ mô.

Có thể nói thị trường tiền tệ phát triển là điều kiện tiên quyết và quan trọng để NHTW điều hành CSTT một cách tích cực, có hiệu quả và lãi suất thị trường tiền tệ phản ánh đúng cung - cầu vốn tạo điều kiện cho các trung gian tài chính cạnh tranh, phát triển, là cơ sở để định giá tài sản trên thị trường vốn và tỷ giá trong các nghiệp vụ phái sinh tiền tệ.

2. Cơ chế truyền dẫn và điều hành lãi suất của NHTW

https://www.sbv.gov.vn/webcenter/cs/groups/tapchinganhang/documents/tinbai/c2j2/mza2/~edisp/~export/SBV306371~1/302942.jpg

Các NHTW đều lựa chọn một trong các loại lãi suất thuộc quyền công bố của mình làm các công cụ điều hành CSTT và thường gọi là lãi suất cơ bản (LSCB). Sự thay đổi của LSCB tác động đến các hoạt động của nền kinh tế.

LSCB của NHTW tác động đối với nền kinh tế theo nhiều kênh khác nhau, tạo thành cơ chế truyền dẫn của CSTT. Khi NHTW thay đổi LSCB, thì tác động tới các lãi suất ngắn hạn trên thị trường tiền tệ. Ngay sau đó, các NHTM sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay cơ bản, thông thường bằng mức thay đổi của LSCB và làm thay đổi lãi suất cho vay. Lãi suất huy động vốn cũng được điều chỉnh đảm bảo mức chênh lệch với lãi suất cho vay để NHTM kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, những lãi suất này không phải bao giờ cũng thay đổi một khoảng chính xác bằng mức thay đổi của LSCB.

LSCB tác động tới kỳ vọng của doanh nghiệp và dân cư về sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai, tác động tới giá cả tài sản (giá cổ phiếu và trái phiếu) tăng, hoặc giảm dẫn tới các quyết định chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư của các hộ gia đình và các doanh nghiệp. Với các điều kiện khác là cân bằng, khi LSCB của NHTW thay đổi tác động làm cho tỷ giá thay đổi, giá cả hàng hoá xuất, nhập khẩu trở nên đắt hoặc rẻ hơn. Như vậy, sự thay đổi LSCB của NHTW tác động tới các hành vi của hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế, như chi tiêu, tiết kiệm của các cá nhân, nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp..., tức là làm tăng hoặc giảm lên tổng cầu hàng hoá và dịch vụ trong nước, từ đó tác động đến lạm phát.

Tùy theo điều kiện thị trường tài chính - tiền tệ của mỗi nước và mục tiêu CSTT, NHTW lựa chọn phương thức điều hành lãi suất thích hợp. Nhiều NHTW lựa chọn lãi suất cho vay qua đêm là LSCB, hoặc FED sử dụng lãi suất định hướng liên ngân hàng, lãi suất chiết khấu; đối với NHTW các nước đang phát triển, sử dụng lãi suất tái cấp vốn, vì công cụ có tính thị trường ở mức cao như nghiệp vụ thị trường mở phát huy tác dụng còn hạn chế. NHTW thay đổi LSCB dựa vào các chỉ số chủ yếu là: lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tình trạng vốn khả dụng của NHTM, giá tài sản trên thị trường vốn và lãi suất thị trường quốc tế.

Một số nhận xét

  • LSCB của NHTW luôn được xây dựng và điều chỉnh dựa trên cơ sở lãi suất cho vay cơ bản của các NHTM kết hợp với những phân tích đánh giá chi tiết tình hình kinh tế vĩ mô của nền kinh tế trong từng thời kỳ cụ thế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát (lạm phát thực tế và lạm phát mục tiêu) được xem là những nhân tố quan trọng.
  • NHTW mỗi nước lựa chọn và sử dụng cơ chế điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và điều kiện thị trường tiền tệ của mình, không có mô hình chung áp dụng cho NHTW các nước. Thông thường, ở các nước phát triển, NHTW sử dụng LSCB là lãi suất cho vay qua đêm hoặc lãi suất định hướng liên ngân hàng được xác lập chủ yếu trên nghiệp vụ thị trường mở; còn các nước đang phát triển sử dụng lãi suất cho vay ngắn hạn (tái cấp vốn) kết hợp lãi suất chiết khấu.
  • Thành công của việc thực thi CSTT nói chung và hiệu quả truyền tải của LSCB đến nền kinh tế nói riêng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như: sự ổn định về chế độ chính trị; niềm tin của người dân vào sự quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước; tỷ trọng thương mại quốc tế giữa các quốc gia; sự phát triển của hệ thống tài chính quốc gia; sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu NHTW, cơ chế điều hành linh hoạt CSTT của NHTW,...
  • Sự thay đổi LSCB phụ thuộc vào sự lựa chọn mục tiêu của CSTT và diễn biến kinh tế vĩ mô, tình trạng vốn khả dụng của NHTM; LSCB cần phải phản ánh vai trò của NHTW là người cho vay cuối cùng trên thị trường liên ngân hàng.
  • Việc công bố LSCB của NHTW tác động đến nền kinh tế theo nhiều kênh khác nhau và không nên gây nên xáo trộn về lãi suất và giá tài sản (cổ phiếu và trái phiếu) trên thị trường vốn và tỷ giá hối đoái trên thị trường ngoại hối, tạo điều kiện cho các trung gian tài chính kinh doanh thuận lợi, có hiệu quả.
  • Hiệu quả của việc thực hiện CSTT thông qua công cụ LSCB của NHTW còn phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế của từng quốc gia nên rất khó để có thể đo lường một cách chính xác ảnh hưởng của một sự thay đổi của LSCB lên giá cả và độ trễ truyền dẫn của từng kênh truyền dẫn.
  • Ngoài ra, để hạn chế những suy thoái kinh tế kéo dài do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính nói chung và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007/2008 nói riêng, nhiều NHTW đã linh hoạt áp dụng các công cụ truyền thống của LSCB, nghiệp vụ thị trường mở với một số công cụ mới hoặc cách tiếp cập mới để bơm tiền vào nền kinh tế nhằm thúc đẩy chi tiêu và do đó, giúp đạt được tỷ lệ lạm phát mục tiêu.

3. Điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện đồng thời hai cơ chế điều hành lãi suất: Thứ nhất, cơ chế kiểm soát trực tiếp lãi suất kinh doanh của TCTD bằng việc quy định mức lãi suất tiền gửi, cho vay, trần lãi suất cho vay, LSCB và biên độ, ...; thứ hai, cơ chế kiểm soát gián tiếp lãi suất kinh doanh của TCTD bằng việc công bố lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm khi NHNN tái cấp vốn cho các TCTD và lãi suất chào mua, chào bán trên nghiệp vụ thị trường mở.

3.1. Trước khi LSCB ra đời (trước tháng 5/2000)

Trước khi thị trường nội tệ liên ngân hàng ra đời (năm 1993), NHNN can thiệp mạnh và trực tiếp vào thị trường tài chính - ngân hàng thông qua việc ấn định các mức lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Điều hành chính sách lãi suất của NHNN thời kỳ này mang nặng tính bao cấp với cơ chế lãi suất thực âm (lãi suất danh nghĩa nhỏ hơn tỷ lệ lạm phát). Sau đó, NHNN đã có nhiều bước điều chỉnh chính sách lãi suất từ cơ chế lãi suất thực âm sang cơ chế lãi suất thực dương để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền và ngân hàng. Cụ thể, NHNN xoá bỏ về cơ bản sự chênh lệch lãi suất cho vay giữa các thành phần kinh tế bằng việc quản lý lãi suất theo một khung (thay vì ấn định mức lãi suất cụ thể), bao gồm lãi suất tối thiểu về tiền gửi và lãi suất tối đa về tiền vay. Trong giai đoạn này, lãi suất tái cấp vốn, cũng được ban hành theo Pháp lệnh Ngân hàng năm 1991 và được bắt đầu sử dụng như một công cụ quan trọng của CSTT tại Việt Nam.

Rõ ràng trong giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế, thị trường tiền tệ vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và chưa phát triển. Chính vì vậy, công cụ lãi suất (bao gồm lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn) không thể phát huy tác dụng vì các ngân hàng cho vay theo chỉ định với lãi suất chỉ định và cố định. Hoạt động ngân hàng cũng trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế quản lý hành chính chuyển dần sang theo cơ chế thị trường. Việc điều hành trần lãi suất là một biện pháp can thiệp hành chính của Nhà nước do vậy đã hạn chế tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động kinh doanh của các NHTM và có nguy cơ làm suy yếu năng lực tài chính của NHTM.

Trong những hoàn cảnh đó, NHNN đã nghiên cứu một mức LSCB nhằm giúp các NHTM sử dụng làm cơ sở cho việc hình thành lãi suất kinh doanh để giảm sự can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của các NHTM. Luật NHNN được Quốc hội thông qua tháng 10/1997 đến tháng 10/1998 có hiệu lực. Đồng thời NHNN hoàn tất việc xây dựng cơ chế và việc công bố LSCB.

3.2. Khi LSCB ra đời (tháng 5/2000) đến trước khi xảy ra khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2007/2008

Trong giai đoạn này nền kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực tốc độ tăng trưởng GDP gia tăng cao và lạm phát được duy trì ở mức thấp (IMF, 2012). Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài cũng như nguồn kiều hối gia tăng mạnh đã gây nhiều sức ép lên CSTT và các NHTM bắt đầu có những dấu hiệu thừa vốn.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã đặt ra mục tiêu là điều hành CSTT một cách thận trọng để ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, thúc đấy tăng trưởng kinh tế, kích cầu nền kinh tế và phát triển ổn định hệ thống ngân hàng. Do đó, chính sách lãi suất nói chung và LSCB nói riêng được NHNN điều hành cụ thể như sau:

  • Ban hành và áp dụng LSCB từ tháng 5/2000 thay thế quy định về trần lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay của các NHTM không được vượt quá biên độ dao động cho phép (0,3%/tháng đối với lãi suất vay ngắn hạn và 0,5%/tháng đối với lãi suất vay trung và dài hạn). Thực chất việc quản lý hoạt động ngân hàng thông qua LSCB cộng biên độ dao động hoàn toàn tương tự như việc quy định trần lãi suất cho vay được áp dụng trong giai đoạn trước. Việc khống chế lãi suất cho vay đã làm cho lãi suất không phản ánh đúng quan hệ cung - cầu vốn trên thị trường. Cụ thể là LSCB và lãi suất cho vay của các NHTM đều giảm trong năm 2000 và 2001, tuy nhiên, cạnh tranh giữa các ngân hàng đã dẫn tới sự gia tăng lãi suất huy động vốn (lãi suất cho vay không tăng do LSCB được điều chỉnh giảm để kích cầu và khắc phục tình trạng giảm phát). Điều này đã làm giảm rõ rệt khoản chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của các NHTM, tạo nên áp lực rất lớn cho hệ thống NHTM.
  • Thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động tín dụng của các NHTM vào giữa năm 2002. Trong đó, các NHTM được phép xác định lãi suất cho vay trên cơ sở cung - cầu vốn trên thị trường (giữa người đi vay và người cho vay). Tuy nhiên, NHNN vẫn tiến hành công bố LSCB để định hướng thị trường. Việc thay đổi cơ chế điều hành LSCB vào giữa năm 2002 có tác động phần nào tháo gỡ khó khăn cho huy động vốn của NHTM đáp ứng nhu cầu vay vốn ở mức cao. Giai đoạn 2000 - 2005 được đánh giá là giai đoạn kinh tế Việt Nam có nhiều biến chuyển tích cực trong tăng trưởng GDP và lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên, đây cũng được xem là giai đoạn châm ngòi cho một thời kỳ lạm phát cao từnăm 2007.

Việc hạn chế mức tăng trưởng tín dụng của các NHTM kết hợp với tốc độ lạm phát có xu hướng gia tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu rút tiền và vay tiền tăng mạnh đã thúc đẩy các NHTM chạy đua nâng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn cho hoạt động tín dụng. Mặt bằng lãi suất tiền gửi xoay quanh mức 9%/năm vào thời điểm cuối năm 2005 và tiếp tục gia tăng cho đến năm 2012. Mức LSCB 7,8%/năm được NHNN duy trì đến cuối năm 2005 thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất cho vay cao nhất của NHTM, thậm chí có lúc còn thấp hơn cả lãi suất huy động. Rõ ràng, việc điều hành LSCB của NHNN trong giai đoạn này bắt đầu trở nên kém hiệu quả và mờ nhạt. Tuy nhiên, sự ra đời của Luật Dân sự năm 2005 đánh dấu một vai trò mới của LSCB, trong đó, lãi suất cho vay trong các hợp đồng tín dụng không được vượt quá 150% LSCB (Điều 476). Điều này đã không khuyến khích ngân hàng phát triển những sản phẩm dịch vụ mới, nhất là những mảng có tỉ lệ rủi ro cao. Như vậy, LSCB trong giai đoạn này đóng vai trò là cơ sở để các NHTM tham khảo và xác định lãi suất kinh doanh, nhưng hầu như ít có tác dụng đến thị trường, kể cả vai trò định hướng.

Thời kỳ khủng khoảng tài chính toàn cầu 2007/2008

Nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này chứng kiến mức độ tăng trưởng tín dụng cao lên đến 37% trong khi tốc độ tăng trưởng GDP chỉ ở mức 8%. Điều này thể hiện sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế. Đồng thời thị trường chứng khoán lao dốc nhanh chóng sau khi tăng trưởng bong bóng trong khoảng thời gian 2005-2006. Cung tiền tăng vượt cầu đã đẩy lạm phát tăng lên mức 18,44% trong sáu tháng đầu năm 2008. Chính sách lãi suất được NHNN điều chỉnh liên tục làm cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế rơi vào tình trạng bị động trước những điều chỉnh lãi suất của NHNN (IMF, 2012). Chính vì vậy mà mục tiêu hàng đầu của CSTT được NHNN thực hiện trong giai đoạn này đó chính là kiềm chế lạm phát.

Để hạn chế lạm phát, NHNN đã tiến hành thắt chặt tiền tệ từ đầu năm và nới lỏng dần vào cuối năm 2008 đã tạo nên tần suất điều chỉnh chính sách lãi suất nhiều chưa từng có trong lịch sử (với 8 lần điều chỉnh LSCB, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, 5 lần điều chỉnh dự trữ bắt buộc và lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, 3 lần nới biên độ tỉ giá). Kết quả là lãi suất thị trường liên ngân hàng đã liên tục hạ nhiệt theo xu hướng giảm của LSCB và các mức lãi suất chỉ đạo của NHNN. Xuất phát từ những can thiệp mạnh tay của NHNN, LSCB đã trở thành một công cụ truyền tải thông tin điều hành chính sách lãi suất cho nền kinh tế và làm cơ sở để các NHTM xác định lãi suất kinh doanh với các khách hàng. Điều này đã giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay và thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm hạn chế sự suy giảm kinh tế. Việc điều chỉnh lãi suất trong giai đoạn cuối năm 2008 cũng được xem như một biện pháp hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, chống lại đà suy giảm.

Nhìn chung, hoạt động ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực sau những can thiệp mạnh của NHNN. Từ giữa tháng 7/2008 đến hết quý 3 năm 2008, vốn khả dụng của các NHTM đã phần nào bớt căng thẳng, lãi suất huy động có xu hướng giảm và duy trì tương đối ổn định. Lãi suất cho vay của các NHTM cơ bản đã được kiểm soát không vượt quá 150% LSCB. Khi LSCB được điều chỉnh tăng lên mức 14%, lãi suất cho vay của các NHTM cũng theo sát với mức tối đa 21%/năm. Dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn của NHNN, không còn NHTM nào có mức lãi suất vượt trần, đồng thời các NHTM cũng ngừng thu tất cả các loại phí liên quan đến khoản vay.

Thời kỳ sau khủng khoảng tài chính toàn cầu từ năm 2009 đến nay

Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007/2008, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu suy giảm rõ rệt sau một thời gian tăng trưởng bong bóng mặc dù tình hình lạm phát cao đã được kiềm soát và tỷ lệ lạm phát có giảm dần (IMF, 2012). Chính vì vậy, NHNN thực thi CSTT theo điều hành linh hoạt theo hướng nới lỏng, kích cầu nhằm ngăn chặn nguy cơ suy giảm kinh tế, tuy nhiên cũng thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NHNN tiếp tục thực hiện CSTT nới lỏng một cách thận trọng đầu năm 2009 để khuyến khích sản xuất, tăng cường xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong thời gian này, chính sách lãi suất được NHNN điều hành tăng giảm theo những biến động của thị trường. Cụ thể:

  • LSCB được điều chỉnh giảm về mức 7%/năm từ ngày 1/2/2009 đưa lãi suất cho vay tối đa về mức 10,5%/năm nhằm tạo điều kiện cho các NHTM mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong nền kinh tế.
  • Để giải tỏa căng thẳng lãi suất cho hoạt động cho vay của các NHTM. NHNN vẫn điều hành chính sách lãi suất hướng đến tác động làm giảm lãi suất cho vay kinh doanh nhưng có khuynh hướng thả nổi lãi suất theo thỏa thuận đối với các hợp động cho vay tiêu dùng (Thông tư 01/2009/TT-NHNN được ban hành này 23/11/2009). Điều này xuất phát từ chỉ đạo của Nhà nước thông qua Nghị quyết số 23/2008/NQ-QH12 ngày 6/11/2008 của Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ tư và Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ nhằm cởi trói cho các NHTM trong việc cho vay theo lãi suất thỏa thuận giữa người đi vay và người cho vay.
  • Tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt, ngăn chặn tình trạng vượt trần lãi suất của các NHTM (Văn bản số 9484/2009/VB-NHNN ban hành ngày 21/2/2009). Nguyên nhân là do những khó khăn trong thanh khoản của các NHTM dẫn đến công tác huy động vốn trở nên ngày càng căng thẳng. Với mức LSCB duy trì ở 7%/năm, các NHTM đã nâng lãi suất huy động lên đỉnh điểm ở mức 10,5%/năm (chưa tính đến các hình thức khuyến mãi, rút thăm trúng thưởng và cộng thưởng khác được các NHTM gián tiếp cộng vào làm tăng lãi suất huy động vượt trần lãi suất theo quy định). Ngoài ra, nhiều NHTM đã áp lãi suất tiền gửi ở mức cao nhất có thể là 10,49% hay 10,50%/năm cho hầu hết các kỳ hạn. Chính vì vậy mà đường cong lãi suất có khuynh hướng bị xóa nhoà (IMF, 2012).
  • Thúc đẩy các NHTM kiểm soát rủi ro tín dụng một cách chặt chẽ và khắt khe trong việc cấp tín dụng cho khách hàng, hạn chế và tập trung xử lý nợ xấu thông qua việc thực hiện CSTT thắt chặt bằng cách điều chỉnh tăng LSCB (cuối năm 2009). Việc điều chỉnh tăng LSCB đã kéo theo sự gia tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Chính điều này làm cho các NHTM khắt khe trong việc lựa chọn đối tượng cho vay hay nói một cách khác là tập trung vào những đối tượng khách hàng có uy tín, hoạt động kinh doanh hiệu quả, tỷ suất sinh lời cao và có khả năng trang trải chi phí sử dụng vốn cao. Kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 có xu hướng cải thiện dần qua các quý nhờ cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước dần phục hồi bởi tác động của các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ: Quý I/2009 tăng 3,14%; quý lI/2009 tăng 4,41%; quý III/2009 tăng 5,98%, quý IV/2009 tăng 6,99%. Lạm phát cũng giảm còn 6,88%.
  • Từng bước cởi trói cho các NHTM thông qua việc cho phép các NHTM áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận đối với hoạt động cho vay trung và dài hạn (Thông tư 07/2010/TT-NHNN được NHNN ban hành ngày 26/2/2010) và cho tất cả các loại hình cho vay (Thông tư 12/2010/TT-NHNN, ngày 14/4/2010), nhằm khơi thông thị trường vốn cho các doanh nghiệp, việc trở lại áp dụng chính sách lãi suất thỏa thuận giữa người đi vay và người cho vay đã làm giảm đáng kể vai trò của LSCB vì đã chấm dứt điều hành theo chế độ trần lãi suất (tối đa bằng 150% LSCB). Việc tăng LSCB từ 8% lên 9%/năm vào tháng 11/2010 và ổn định ở mức 9% cho đến cuối năm 2012 cho thấy vai trò định hướng và thông tin tham chiếu của LSCB trở nên rất mờ nhạt trong cơ chế dẫn truyền của lãi suất đến mục tiêu của CSTT.

Có thể nói, NHNN điều hành LSCB, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu tương đối linh hoạt, phù hợp với mục tiêu CSTT, cung - cầu vốn thị trường, đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa lãi suất VND - tỷ giá - lãi suất ngoại tệ và có xem xét quan hệ về mặt định lượng, xu thế biến động của các loại lãi suất chủ yếu trên thị trường tiền tệ. Các loại lãi suất chủ yếu trên thị trường tiền tệ đã có sự liên hệ: Lãi suất đấu thầu nghiệp vụ thị trường mở < LSCB < lãi suất cho vay của các TCTD đối với khách hàng.

Tuy nhiên, cơ chế điều hành lãi suất của NHNN đã và đang còn bất cập:

  • Lượng tiền cung ứng cho mục tiêu tín dụng do Chính phủ khống chế hàng năm và nhằm mục tiêu chính là kiềm chế lạm phát, nên tác dụng của lãi suất tái cấp vốn trong điều hành CSTT còn hạn chế.
  • Mối liên hệ giữa các loại lãi suất thị trường và lãi suất của NHNN (lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu, lãi suất đấu thầu nghiệp vụ trường mở, lãi suất đấu thầu tín phiếu kho bạc, lãi suất tiền gửi của các TCTD tại NHNN) còn lỏng lẻo, đôi khi còn tách rời nhau, biến động chưa phù hợp cơ chế lãi suất thị trường; vai trò điều tiết lãi suất thị trường của lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở còn hạn chế.
  • Thị trường tiền tệ chưa phát triển và không đồng nhất làm cho hiệu lực và tốc độ truyền dẫn của CSTT tác động đến lãi suất thị trường bị hạn chế. Trong thực tế, các quyết định thay đổi các mức lãi suất của NHNN tác động chưa cao và còn có thời gian trễ.
  • Thị trường nội tệ liên ngân hàng chưa được củng cố theo hướng tập trung các thông tin về giao dịch để phản ảnh chính xác lãi suất thị trường. Khi đó NHNN khó có thể thực hiện một cách hiệu quả vai trò là người cho vay cuối cùng và kiểm soát lãi suất thị trường.
  • Thông thường, tín phiếu kho bạc đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tiền tệ, lãi suất tín phiếu kho bạc được coi là lãi suất chuẩn và thấp nhất trên thị trường tiền tệ; tuy nhiên, thực tế thời gian qua, lãi suất của tín phiếu kho bạc chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc này mà có lúc bằng hoặc lớn lãi suất cùng kỳ hạn của NHTM, việc đấu thầu tín phiếu kho bạc các phiên giao dịch tại NHNN chưa hoàn toàn là đấu thầu lãi suất, nên đôi khi chưa phản ánh đúng lãi suấtthị trường.
  • Lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng hiện nay giữa các TCTD đôi khi còn chưa phản ánh đúng quan hệ cung - cầu vốn, quan hệ vay mượn trên thị trường diễn ra một chiều giữa các NHTM Nhà nước có vốn dư thừa là bên cho vay với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHTM cổ phần. Đối tượng tái cấp vốn và chiết khấu của NHNN cũng còn hạn chế, một số NHTM nắm giữ rất ít giấy tờ có giá ngắn hạn, hoặc có nắm giữ giấy tờ dài hạn, nên không có điều kiện vay vốn hoặc chiết khấu tại NHNN.

4. Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả điều hành lãi suất đối với Ngân hàng Nhà nước

Có nhiều giải pháp tác động đến điều hành lãi suất đối với NHNN, trong giới hạn bài viết, tác giả chỉ nêu 2 ý kiến có tính thiết thực.

Trước hết, NHNN nên lựa chọn lãi suất tái cấp vốn làm LSCB.

Thực tế một thời gian dài, quy định trần lãi suất cho vay đối với các NHTM không vượt quá 150% LSCB, đã làm mất dần ý nghĩa tham chiếu và định hướng cho thị trường của nó. Do vậy, lựa chọn loại lãi suất nào đối với NHNN trên thị trường để làm LSCB có thể phản ánh mối quan hệ cung - cầu vốn trên thị trường. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn được xem là mức lãi suất phù hợp nhất có thể được sử dụng làm LSCB của NHNN trong thời gian tới. Vì đây là loại lãi suất do NHNN quyết định trong quá trình tái cấp vốn cho các TCTD. Lãi suất này, có dấu hiệu rõ ràng, định hướng cho nền kinh tế việc điều hành CSTT của NHNN. Và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới sử dụng lãi suất tái cấp vốn làm LSCB có hiệu quả.

Khi lãi suất tái cấp vốn tăng lên so với thời kỳ trước, đây chính là dấu hiệu việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN, là cơ sở giúp các NHTM định hướng cho hoạt động tín dụng của mình. Ngược lại, khi NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn, đó là dấu hiệu cho thấy NHNN đang thực hiện chính sách mở rộng tiền tệ. Vì vậy, lãi suất tái cấp vốn phải luôn là mức lãi suất nhỏ hơn lãi suất cho vay và lớn hơn lãi suất tiết kiệm của các NHTM.

Từ đó, cho thấy trong điều kiện của Việt Nam, việc sử dụng lãi suất tái cấp vốn làm LSCB là một việc làm có hiệu quả trong điều hành lãi suất đối với NHNN. Với các lý do sau:

  • Thị trường mở tại Việt Nam bao gồm cả hai phương thức đấu thầu, đó là đấu thầu lãi suất (lãi suất do các NHTM quyết định) và đấu thầu khối lượng (lãi suất do NHTW cố định); vì vậy, lãi suất thị trường mở thiếu tính nhất quán và biến động không ổn định. Do đó, không thể chọn lãi suất thị trường mở làm LSCB.
  • Lãi suất liên ngân hàng là mức lãi suất cho vay giữa các NHTM thông qua thị trường liên ngân hàng và do các NHTM quyết định. Lãi suất liên ngân hàng không phải là một mức lãi suất biến động phụ thuộc vào từng thời điểm và khả năng của mỗi ngân hàng. NHTW chủ yếu dựa vào số liệu giao dịch của các ngân hàng để đưa ra một con số bình quân, lãi suất bình quân liên ngân hàng.
  • Lãi suất cho vay qua đêm là lãi suất cho vay thời hạn một ngày giữa các NHTM. Mức lãi suất này bao giờ cũng là mức lãi suất cao hơn lãi suất tái cấp vốn. Nếu sử dụng lãi suất cho vay qua đêm làm LSCB có thể sẽ kích thích tăng lãi suất trên thị trường và không đảm bảo được tính định hướng cho việc điều hành lãi suất của NHNN.
  • Lãi suất tái chiết khấu là mức lãi suất tái cấp vốn được áp dụng khi NHNN tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá khác cho các NHTM. Trong khi đó, các hình thức tái cấp vốn được qui định bao gồm: cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá khác, cho vay có đảm bảo bằng cầm cố thương phiếu và giấy tờ có giá khác. Rõ ràng, hoạt động tái cấp vốn tương đối rộng hơn so với tái chiết khấu. Chính vì vậy, việc sử dụng lãi suất tái cấp vốn để làm LSCB sẽ phù hợp hơn so với lãi suất tái chiết khấu.

Tiếp theo, xây dựng những điều kiện cần thiết để phát huy vai trò của LSCB thông qua cơ chế truyền dẫn tiền tệ, như:

  • Trước tiên, NHNN cần có kế hoạch chuẩn bị về vốn để thực hiện cam kết cho vay nền kinh tế (thông qua một ngân hàng theo chỉ định của Nhà nước) với mức lãi suất được công bố nhằm hạn chế việc gia tăng lãi suất cho vay của các NHTM. Đây cũng chính là cách được thực hiện tại Anh và các nước Châu Âu. Làm được việc này thì các NHTM mới không chạy đua nâng mặt bằng lãi suất tiền gửi cũng như lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp.
  • NHNN cần xây dựng và tuân thủ các nguyên tắc của CSTT thông qua việc xác định các mục tiêu của nó một cách hợp lý và cam kết theo đuổi mục tiêu trong trung, dài hạn. Và chuyển dần sang theo đuổi mục tiêu duy nhất đó là ồn định giá cả, nhằm tạo nền tảng cho việc xác định LSCB sát với thực tế và nâng cao khả năng thực thi của CSTT. Quá trình vận hành CSTT cần linh hoạt nhưng phải nhất quán nhằm phát huy được tính định hướng thị trường của LSCB, mặt khác tạo lòng tin trongcông chúng.
  • LSCB cần được xây dựng dựa trên lãi suất có thực mang tính thị trường. Việc làm này không chỉ khắc phục những hạn chế của LSCB hiện nay mà còn góp phần nâng cao sự ổn định trong hoạt động của thị trường liên ngân hàng. Để thực hiện được cơ chế điều hành LSCB theo hướng mới, NHNN cần phải thử nghiệm và lựa chọn các phản ứng chính sách, sao cho việc xác định LSCB đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng. Đồng thời, các quy định về tổ chức và hoạt động của thị trường liên ngân hàng cần rõ ràng và đầy đủ. Các giao dịch đảm bảo tính phi rủi ro, đúng nghĩa với tính chất tham chiếu của lãi suất cho vay trên chị trường liên ngân hàng. Các can thiệp của NHNN vào thị trường cần đảm bảo tính hướng dẫn, để phát huy tính tự chủ của các ngân hàng thành viên.
  • Nâng cao khả năng dự báo kinh tế vĩ mô và tiền tệ, đây là việc làm quan trọng hàng đầu để hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả, áp dụng mô hình kinh tế lượng vào phân tích, dự báo, xây dựng chương trình tiền tệ.
  • Trước khi đưa ra những thay đổi về chính sách, NHNN cần thông báo trước và cho độ trễ về mặt thời gian để các ngân hàng có thể điều chỉnh kịp thời, tránh gây ra những cú sốc đối với nền kinh tế.
  • Nâng cao năng lực điều hành lãi suất theo hướng đồng bộ tạo nên tác động cùng chiều, hợp lực, vận hành trôi chảy cơ chế truyền tải tiền tệ đến mục tiêu lạm phát và tăng trưởng kinh tế: (i) Đối với nghiệp vụ thị trường mở, cần được sử dụng hoàn thiện để trở thành công cụ điều tiết tiền tệ và lãi suất thị trường thông qua việc đa dạng hóa các chủng loại hàng hóa giao dịch trên thị trường mở, tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng của công tác phân tích và dự báo vốn khả dụng; (ii) Đối với công cụ dự trữ bắt buộc, cần được hoàn thiện theo hướng nâng cao khả năng kiểm soát tiền tệ của NHNN và tạo điều kiện cho các NHTM sử dụng vốn linh hoạt, hiệu quả. Thực hiện trả lãi thích hợp cho dự trữ bắt buộc và cả phần tiền gửi vượt quá dự trữ bắt buộc để khuyến khích các NHTM thực hiện đúng quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc và thúc đẩy thị trường tiền tệ thứ cấp phát triển; (iii) Đối với công cụ lãi suất, cần bỏ dần việc kiểm soát trực tiếp lãi suất thị trường bằng những quy định bắt buộc đối với trần lãi suất, lựa chọn lãi suất chủ đạo và điều chỉnh linh hoạt, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với lãi suất thị trường; (iv) Đối với công cụ tỷ giá hối đoái, cần tiếp tục mở rộng biên độ tỷ giá với cả 2 chiều, tăng tính linh hoạt của tỷ giá để điều tiết cung - cầu ngoại tệ, gắn với tự do hóa lãi suất với tự do hóa tỷ giá hối đoái để lãi suất và tỷ giá phản ánh đúng cung cầu vốn và ngoại tệ trên thị trường.
  • NHNN cần kiểm soát chặt chẽ mức tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra, không để tăng trưởng tín dụng quá cao sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát trong nền kinh tế, khống chế tăng trưởng tín dụng thấp hơn tăng trưởng vốn huy động, khống chế tín dụng đối với kinh doanh bất động sản, kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ an toàn trong kinh doanh của các NHTM.
  • Nâng cao vai trò chủ đạo của NHNN trong hoạch định và điều hành CSTT, giám sát hoạt động ngân hàng và quản lý hệ thống thanh toán.
  • Đẩy mạnh sự phát triển thị trường tiền tệ, nhằm nâng cao hiệu quả cơ chế truyền tải các tác động của CSTT thông qua công cụ lãi suất đến nền kinh tế. Tiếp tục tạo hàng hoá và phát triển các nghiệp vụ trên thị trường tiền tệ, mở rộng thành viên tham gia thị trường; nâng cao vai trò điều tiết, hướng dẫn của NHNN trên thị trường tiền tệ. Đồng thời hoàn thiện các hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho thị trường tiền tệ phát triển.
  • Phát triển thị trường liên ngân hàng thông qua việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thị trường, như ban hành các quy chế mới về hoạt động thị trường này để mở rộng cho tất cả NHTM tham gia thị trường, …

Thực hiện 2 nhóm giải pháp nêu trên, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ khác, như nâng cao vị thế của NHNN, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan,… Trong giới hạn của bài viết, tác giả không nghiên cứu về vấn đề này.